Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Tìm hiểu về máy đầm bê tông

1. Định nghĩa và giới thiệu về máy đầm bêtông:
Máy đầm bê tông là loại máy dùng để đầm bê tông, làm cho các hạt phối liệu trong khối vữa xen kẽ, sắp xếp chặt nhau do lực ma sát giữa chúng bị phá vỡ. nhờ đó mà tăng chất lượng và tính chịu lực của bê tông, tiết kiệm ximăng so với đầm thủ công.
Một số loại máy đầm bê tông như đầm rung bê tông, đầm dùi bê tông, máy đầm cóc, ....

2. Nguyên tắc hoạt động:
Máy đầm bêtông hoạt động chủ yếu dựa trên sự chấn động để phá hoại lực ma sát và lực dính của các hạt phối liệu. Nguyên tắc chấn động là làm quay trục hay khối lệch tâm, dao động con lắc,dao động điện từ.

3. Các phương thức đầm bê tông:
Có hai phương thức đầm bê tông, đó là: đầm ngoài và đầm trong. Phương thức đầm ngoài lại được chia thành: phương thức đầm mặt và phương thức đầm cạnh. Trong mỗi phương thức: đầm trong, đầm mặt và đầm cạnh, thì đều có thể thi công theo hai phương thức đầm thủ công (tức là bằng tay) và đầm bằng máy.


Công việc đầm dùi bê tông - hình minh họa

  a. Phương thức đầm trong lòng kết cấu bê tông
Trong phương thức đầm trong, người ta tìm cách đưa nguồn gây chấn động vào sâu trong lòng khối vữa bê tông vừa đổ để làm đặc chắc nó. Phương thức đầm trong (còn gọi là đầm sâu) thường áp dụng để đầm các kết cấu có chiều sâu lớn, như: cột, tường, đài móng, móng máy, kết cấu bê tông khối lớn, đê, đập, ... Ở phương thức đầm này, khi thi công bằng máy, người ta thường sử dụng một loại thiết bị đầm gọi là máy đầm dùi.
 
  b. Phương thức đầm bên ngoài kết cấu bê tông
Phương thức này, thường được thực hiện cho những kết cấu có diện mặt thoáng lớn. trong xây dựng nhà dân dụng và công nghiệp, thì các kết cấu bê tông dùng phương thức đầm này thường có chiều dầy (hay chiều sâu) nhỏ, như: kết bản sàn, nền đường bê tông, nền nhà, nền sân bay,... Khi dùng phương thức thi công bằng máy, đối với kết cấu mỏng, thì máy đầm mặt được dùng để đầm là loại máy đầm bàn.
 
Nhưng đối với các công trình thủy như: đê, đập thủy điện,... thì các kết cấu bê tông dùng phương thức đầm mặt này có thể có chiều sâu lớn, khi đó thường phải thi công bằng máy với loại máy đầm đặc biệt (xe lu, ...), dùng loại bê tông đặc biệt (bê tông đầm lăn, thường có độ sụt bằng 0) và phương thức đầm mặt đặc biệt (gọi là phương thức đầm lăn).
 
  c. Phương thức đầm cạnh khuôn đúc bê tông
Đây là phương thức tạo các chấn động trong hệ thống khuôn đúc bê tông, qua đó chuyền các tác động này sang vữa bê tông nằm trong khuôn, làm cho bê tông được đặc chắc. Phương thức này thường sử dụng cho các kết cấu bê tông dạng thành đứng, có bề dày (tức là khoảng cách giữa hai ván khuôn thành hai bên) nhỏ, như kết cấu tường, kết cấu cột, hay các cấu kiện bê tông đúc sẵn. Trong phương thức này có thể gây chấn động ở lần lượt từng phần hay có thể toàn bộ hệ khuôn đúc bê tông. Nếu đầm chấn động từng phần thì có thể dùng cho các kết cấu đổ tại chỗ như cột hay tường bê tông. Lúc này đối với đầm máy thì có thể treo thiết bị rung vào từng điểm của ván khuôn thành, tạo rung cục bộ để làm chặt kết cấu bê tông tại vùng xung quanh điểm treo máy rung. Nếu kết cấu nhỏ có thể dùng phương pháp thi công thủ công bằng cách lấy búa gõ ở từng vùng của ván khuôn thành.
 
Các cấu kiện bê tông đúc sẵn, dùng để làm kết cấu cho các công trình thi công theo công nghệ thi công lắp ghép, được chế tạo tại nhà máy, nên thường phải khống chế kích thước. Do đó đối với các cấu kiện này thì thường sử dụng phương thức đầm cạnh toàn phần, có nghĩa là rung toàn bộ hệ thống khuôn đúc. Ví dụ: để đúc các đoạn ống cống bê tông, thường có kích thước như sau: dài 1 ÷ 2 m, đường kính 0,6 ÷ 1,8 m, người ta đặt toàn bộ hệ khuôn đúc trên một bàn rung kích thước khoảng (3,0 x 3,0) m, và rung toàn bộ hệ thống bằng một thiết bị rung chạy điện 3 pha.
 
Trường hợp đặc biệt đối với cấu kiện bê tông đúc sẵn có dạng ống tròn như: ống cống, cột điện ly tâm, người ta sử dụng một phương thức đầm cạnh đặc biệt là áp dụng nguyên lý ly tâm của chuyển động quay để đầm bê tông. Khi đó hệ khuôn đúc chỉ có một lớp tròn bên ngoài, đổ vữa bê tông vào trong, cho hệ khuôn đúc quay tròn quanh trục của nó, nhờ có lực ly tâm mà vữa được đẩy ra giáp thành khuôn đúc và phân bố dầy đặc quanh thành, đảm bảo độ đặc chắc của kết cấu bê tông.
Đầm dưới: là đầm từ mặt đáy khối bêtông lên, thường dùng đầm các khối bêtông định hình trong khuôn đỡ như panen, tấm đậy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét